Sơ lược về Ngành GD&ĐT thành phố Thủ Dầu Một

Thủ Dầu Một, tên gọi đã tồn tại từ lâu đời. Vào năm 1869, Thủ Dầu Một là tên của một hạt hay được hiểu là một đơn vị dân cư. Đến năm 1899, Thủ Dầu Một trở thành tên gọi của một tỉnh, sau đó lại trở thành tên của một thị xã vào năm 1975. Từ năm 2012, Thủ Dầu Một trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và hiện nay thành phố Thủ Dầu Một được công nhận là đô thị loại I, theo Quyết định số 1959/QĐ-TTg  ngày 06/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Bước chân đến Thủ Dầu Một chúng ta sẽ nhìn thấy được sự phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng giao thông, sự phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp, cùng các công trình điểm nhấn mang tính đột phá khu vực trung tâm và khu vực ven sông Sài Gòn như: Nhà truyền thống, chợ đồng hồ Thủ Dầu Một, phố đi bộ, chợ đêm, bến du thuyền Bạch Đằng….Là đầu mối giao thương của tỉnh nên hiện tại thành phố Thủ Dầu Một phát triển mạnh về thương mại và dịch vụ. Song song đó, các ngành nghề lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển khá ổn định, có thể kể đến Lò gốm Đại Hưng, cơ sở sản xuất sơn mài, điêu khắc tại Phường Tương Bình Hiệp đã trở thành những di tích văn hóa lịch sử của tỉnh Nhà.

Bên cạnh sự phát triển về lĩnh vực kinh tế của thành phố Thủ Dầu Một thì lĩnh vực Văn hóa – Xã hội cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Nói về lĩnh vực văn hóa phải nhắc đến là Lễ hội rước cộ bà trong dịp rằm tháng Giêng hằng năm được người dân trong và ngoài thành phố đặt cho một tên gọi hết sức ý nghĩa là “Lễ hội miễn phí”, ngoài ra còn có các lễ hội khác như: lễ hội đua thuyền, đờn ca tài tử; các di tích lịch sử như: chùa Hội Khánh, lạc cảnh Đại Nam văn hiến, Đình thần Tân An, cảng Bà Lụa....tất cả đã tạo nên một nét đẹp văn hóa, văn minh đặc trưng riêng cho thành phố Thủ Dầu Một. 

Trong đó, Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Dầu Một có quá trình hình thành và phát triển lâu dài với truyền thống năng động, sáng tạo, tích cực đã có rất nhiều nhà giáo tên tuổi đi vào lịch sử giáo dục của tỉnh nhà, nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, đã và đang đảm nhận những trọng trách với nhiều cương vị khác nhau ở các cơ quan ban ngành, tổ chức đoàn thể của thành phố và tỉnh. 

Giáo dục thành phố Thủ Dầu Một luôn xứng đáng là con chim đầu đàn của ngành giáo dục trong suốt quá trình phát triển, đã có những đóng góp quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh nhà, là đơn vị tiên phong trong thực hiện các chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bình Dương.  

Nhìn lại quá trình hình thành phát triển của giáo dục thành phố Thủ Dầu Một nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành. Qua đó, mỗi thầy cô giáo, các thế hệ học sinh hiện tại và tương lai cần nâng cao ý chí, quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt, phấn đấu không ngừng, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của tri thức, từ đó, góp phần công sức của mình vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung và phát triển tỉnh Bình Dương trong tương lai.

I. SƠ LƯỢC CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Dầu Một chính thức hoạt động cùng với thời gian thành lập thị xã Thủ Dầu Một (vào năm 1975) với tên gọi là Phòng Thanh tra Giáo dục do Thầy Nguyễn Văn Khá phụ trách. Những ngày đầu thành lập, trụ sở của Phòng đặt tại số 67, đường Hai Bà Trưng (hiện nay là trường MN Hoa Lan). Năm 1978, Phòng Thanh tra Giáo dục đổi tên thành Ban Giáo dục thị xã Thủ Dầu Một, trụ sở hoạt động tại số 39/4 đường Hùng Vương (nay là trường MN Huỳnh Thị Hiếu) và số 40, đường Văn Công Khai (nay là trường MN Sơn Ca). Năm học 1991-1992, trụ sở di dời sang số 60, đường Hùng Vương (nay là Thư viện thành phố Thủ Dầu Một) và đổi tên thành phòng Giáo dục thị xã Thủ Dầu Một và hiện nay gọi là Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Dầu Một tọa lạc tại số 3, Đường Quang Trung, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Trong ký ức của những người thầy cô công tác trong ngành vào những năm đầu giải phóng, đây là thời kỳ vô vàn khó khăn. Cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, mất cân đối, đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng. Đội ngũ giáo viên giảng dạy được huy động từ nhiều nguồn, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của nền giáo dục mới. Nhắc lại những khó khăn trong những ngày đầu mới cảm nhận đầy đủ tâm huyết của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc khôi phục và phát triển sự nghiệp giáo dục. Sau khi tiếp quản các cơ sở giáo dục từ trước 1975, để kịp thời phục vụ cho việc phát triển sự nghiệp giáo dục những năm đầu sau giải phóng, ngành GD-ĐT đã tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục, tiến hành xây dựng cơ sở vật chất, song song với sắp xếp lại mạng lưới trường lớp và hình thành các cấp học.

Gần 40 năm vươn lên từ gian khó, thiếu thốn không những về cơ sở vật chất mà cả về đội ngũ nhà giáo giảng dạy. Song với truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành không ngừng lớn mạnh về mặt số lượng và chất lượng. Hiện nay, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Dầu Một đã có những bước tiến vững chắc trong quản lý, điều hành hoạt động của các trường trực thuộc theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Cùng điểm lại một số cột móc quan trọng trong sự nghiệp hình thành và phát triển của toàn ngành như sau:

Giai đoạn sau ngày 30/4/1975

Giáo dục thành phố tiếp quản toàn bộ hệ thống giáo dục cũ của chế độ nguỵ quyền Sài Gòn để lại, thiết lập nền giáo dục mới, giáo dục cách mạng. Nhìn chung, một phần do bị chiến tranh tàn phá, một phần do chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa thực dân mới, cơ sở vật chất trường lớp bấy giờ nghèo nàn, xuống cấp và mất cân đối nghiêm trọng. 

Giáo dục thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ công tác giáo dục lúc bấy giờ là đưa giáo dục trở lại hoạt động bình thường, kết hợp cải tạo với xây dựng nền giáo dục mới, làm cho giáo dục trở thành một lực lượng cách mạng góp phần xây dựng xã hội mới...theo tinh thần Chỉ thị 221/CT.TW của Ban Bí Thư.

Giai đoạn 1975-1985

Đây là giai đoạn 10 năm vừa cải tạo vừa xây dựng, bồi dưỡng kết hợp đào tạo mới đội ngũ CBQL, giáo viên các ngành học, bậc học, song song với bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên do chế độ cũ đào tạo, tiến hành cải cách giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 14/ NQ.TW của Bộ Chính trị. Giáo dục thành phố đã có bước chuyển quan trọng trong thực hiện yêu cầu nhiệm vụ chính trị bấy giờ là khẳng định tính chất ưu việt của nền giáo dục mới XHCN, công lập hoá toàn bộ trường lớp nhằm đảm bảo việc học hành cho tất cả con em trong độ tuổi, bồi dưỡng thế hệ thanh thiếu niên mới trở thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà. Công tác chống mù chữ, bổ túc văn hoá được thực hiện trên diện rộng nhằm giải quyết thực trạng và nhu cầu học tập của cán bộ, của nhân dân, trước đây do chiến tranh không có điều kiện học tập.  
Giáo dục thành phố tiếp tục phát triển quy mô trường lớp, đào tạo mới đội ngũ giáo viên các ngành học, bậc học để đáp ứng nhu cầu xã hội. Hệ thống trường mẫu giáo, trường phổ thông cơ sở được hình thành trên khắp địa bàn, ngay cả vùng khó khăn, hẻo lánh phục vụ khá tốt yêu cầu học tập của con em nhân dân.  

Giai đoạn 1985-1995

Thực hiện đường lối đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, giáo dục thành phố đã vượt qua những khó khăn về kinh tế xã hội để tiếp tục vươn lên, tự khẳng định qua việc thực hiện thành công chủ trương xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, bước đầu thực hiện phổ cập bậc trung học cơ sở.  Cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên, CBQL được tăng cường và từng bước chuẩn hoá để đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác giáo dục. 
Thực hiện Nghị định 91/ CP của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn này, cấp một được tách ra khỏi trường phổ thông cơ sở hình thành mạng lưới trường tiểu học bên cạnh khối trung học (gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông). Giáo dục thành phố tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban cải cách giáo dục trung ương, tiến hành thay sách cải cách giáo dục ở bậc tiểu học. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động lớn đã được phát động hướng đến một nền giáo dục phát triển, mang tính xã hội hoá, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, xây dựng xã hội học tập.
Hết giai đoạn này, giáo dục thành phố đã khẳng định được vị thế của mình thông qua việc đảm bảo chỉ tiêu chất lượng các mặt giáo dục, chất lượng hoạt động phong trào, đa dạng hoá trường lớp, loại hình học tập, quy mô tốc độ phát triển cơ sở trường lớp. Vai trò lá cờ đầu của giáo dục thành phố được xác lập.

Giai đoạn 1995-2005

Mười năm khẳng định và duy trì vị trí lá cờ đầu của giáo dục thành phố. Giáo dục thành phố tiếp tục những bước đi vững chắc trên con đường phát triển cả về số lượng và chất lượng. 

Toàn ngành đã có sự tăng tốc trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết về giáo dục đào tạo, chủ động trong thực hiện nội dung đổi mới chương trình sách giáo khoa và phương pháp giáo dục, hoàn thành kế hoạch phổ cập trung học cơ sở, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, tạo tiền đề cho việc thực hiện đề án phổ cập bậc trung học. 
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá đáp ứng yêu cầu của kế hoạch đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn 2000 – 2005). Các loại hình trường lớp được phát triển theo chủ trương xã hội hoá để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội. Đảm bảo huy động 100% trẻ 5 tuổi, 6 tuổi vào trường lớp hàng năm. Công tác xã hội hoá giáo dục đạt được được nhiều thành tựu. 

Trong thời gian này, nhiều cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến đã được nhân lên thông qua phong trào thi đua dạy tốt học tốt, phong trào phát huy sáng kiến áp dụng kinh nghiệm, phong trào giáo viên giỏi, học sinh giỏi, làm và sử dụng đồ dùng dạy học. Thành phố luôn đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp các cấp. Đây cũng là giai đoạn giáo dục Thành phố nhận được nhiều danh hiệu cao quý, nhiều bằng khen cấp cao, ghi lại dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của mình.
Giai đoạn 2005-2015

Giai đoạn toàn Ngành thực hiện cuộc vận động “Hai không”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Cuộc vận động học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, các cuộc vận động đã đem lại nhiều chuyển biến về mặt chất lượng thực chất, đồng thời nâng cao được đạo đức, nhân cách nhà giáo.

Ngành tập trung thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Thủ Dầu Một lần thứ IX, thứ X. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, giai đoạn 2011-2015 theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia. Tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều tập thể và cá nhân trong ngành đã được các cấp ủy biểu dương, khen thưởng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có ý thức chính trị và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Chất lượng giáo dục từng bước được khẳng định và nâng lên, có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo niềm tin cho xã hội.
Tập trung, nổ lực nâng cao chất lượng giáo dục, quản lý chỉ đạo chuyên môn, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đánh giá kiểm định chất lượng; kiểm tra, thi đua, khen thưởng ở các cấp học có nhiều đổi mới đã được xây dựng thành kế hoạch để triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể nói giai đoạn này công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được xem là thành tích nổi bật nhất của Ngành.

Giai đoạn 2015-2022

Tập trung triển khai hiệu quả Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Từ đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy được quan tâm thực hiện tốt với phương châm đảm bảo cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học trên địa bàn đều được đến trường, có chỗ học thuận lợi. Tham mưu thực hiện tốt việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành Giáo dục theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, thành phố cũng huy động các nguồn lực tại địa phương, đặc biệt là kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. 

Trong đó, phải nhắc đến năm học 2020, 2021 và năm học 2021-2022 là những năm học đáng nhớ nhất. Do đại dịch COVID-19 hoành hành khiến các cấp học phải có những khoảng thời gian tạm ngừng đến trường học trực tiếp gần cả 01 học kì, thầy và trò chỉ có thể gặp mặt nhau qua màn hình máy vi tính và buổi Lễ Khai giảng năm học 2021-2022 càng đặc biệt hơn khi được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, là buổi lễ khai giảng chưa có trong tiền lệ hơn 40 năm hình thành và phát triển của Ngành giáo dục và Đào tạo. Nhưng trong Lễ Khai giảng ấy vẫn tạo nên được sự gắn kết đặc biệt của đội ngũ thầy cô giáo và học sinh, khoảng cách về địa lý gần như không còn trong buổi lễ khai giảng đặc biệt này. Đó là những dấu ấn và giá trị thật đặc biệt trong buổi lễ khai giảng năm học 2021-2022.
(Phụ lục sự phát triển trường/lớp, học sinh, đội ngũ qua các thời kỳ)
II. CÁC CỘT MỐC ĐÁNH DẤU THÀNH TỰU CỦA GIÁO DỤC ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ THỦ DẦU MỘT
1.    Công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục
Năm 1992: Hoàn thành công tác CMC, phổ cập giáo dục tiểu học.
Năm 2001: Đat chuẩn quốc gia phổ cập trung học cơ sở.
Năm 2004: Đạt chuẩn quốc gia phổ cập tiểu học đúng độ tuổi
Năm 2013: Đạt chuẩn phổ cập Giáo dục mầm non trẻ em 05 tuổi
Hiện nay, công tác CMC, phổ cập giáo dục các cấp được duy trì công nhận đạt chuẩn qua các năm
2. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Năm 2002: 01 trường THCSTrường THCS Chu Văn An
Năm 2004: 05 trường (01 Mầm non, 03 Tiểu học, 01 THCS).
Năm 2010: 25 trường (10 Mầm non, 08 Tiểu học, 07 THCS)
Năm 2015: 40 trường (16 Mầm non; 13 Tiểu học, 11 THCS)
Năm 2022: 48 trường (19 Mầm non, 17 Tiểu học, 12 THCS)
3. Đón nhận Huân chương của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tường chính phủ
3.1 Huân chương lao động hạng III

Năm 1996: Trường THCS Hiệp Thành (nay là trường THCS Chu Văn An); Trường Tiểu học Phú Cường II.
Năm 1997: Phòng GD & ĐT thị xã Thủ Dầu Một
Năm 1998: Trường Mầm non Hoa Lan
Năm 1999: Trường THPT Bình Phú; Trường THPT Võ Minh Đức
Năm 2012: Tường Mầm non Tuổi Ngọc
Năm 2014: Trường TH Lê Hồng Phong
Năm 2020: Trường THPT chuyên Hùng Vương
3.2 Huân chương lao động hạng II
Năm 2001: Trường THCS Chu Văn An  (Hiệp Thành cũ); Trường tiểu học Nguyễn Du  (Phú Cường II cũ)
Năm 2002: Phòng GD & ĐT thị xã Thủ Dầu Một
3.3 Huân chương lao động hạng I
Năm 2012: Phòng GDĐT thành phố Thủ Dầu Một; Trường THCS Chu Văn An
4. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Năm 1996: Nhà trẻ 1 tháng 6
Năm 1997: Trường Mẫu giáo 19 tháng 8; Trường Tiểu học Nguyễn Trãi
Năm 1998: Trường Mầm non Hoa Lan
Năm 1999: Trường THPT BC Nguyễn Đình Chiểu
Năm 2000: Trường Mẫu giáo Măng Non; Trường Tiểu học Định Hòa; Trường THPT chuyên Hùng Vương
Năm 2002: Trường THCS Phú Cường    
Năm 2009: Trường TH Lê Hồng Phong
Năm 2010: Trường THCS Chu Văn An
Năm 2011: Trường MN Tuổi Ngọc
Năm 2012: Trường Mẫu giáo Hoa Lan; Trường TH Nguyễn Trãi
Năm 2018: Trường THCS Chu Văn An
Năm 2019: Trường THCS Chánh Nghĩa        
4.    Danh hiệu nhà giáo ưu tú
 Đến năm 2005 đến nay, giáo dục thành phố có tổng cộng 50 cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú, trong đó mầm non: 4, tiểu học: 13, THCS : 15, THPT: 15, Phòng GDĐT: 03
6. Danh hiệu đơn vị khá nhất, đơn vị dẫn đầu khối thi đua các PGDĐT
Với thành tích đạt được trong quá trình thi đua, ngành giáo dục đào tạo Thủ Dầu Một từ năm học 1994-1995 đã liên tục nhiều năm được nhận cờ luân lưu ĐƠN VỊ KHÁ NHẤT, nhận cờ thi đua đơn vị DẪN ĐẦU KHỐI THI ĐUA CÁC PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO do UBND tỉnh trao tặng.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Ngày 20/11 hàng năm đã trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã và đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Hưởng ứng các hoạt động chào mừng ngày lễ 20/11, thầy và trò toàn Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tham gia vào chuỗi các hoạt động chào mừng như sau:

*Hội trại giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Dầu Một năm 2022

Hội trại Giáo viên ngành Giáo dục thành phố Thủ Dầu Một năm 2022 được tổ chức với quy mô gồm 42 Tiểu trại, với hơn 1.230 CBGVNV đến từ 58 trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn tham dự. Hội trại là một hoạt động lớn không chỉ của ngành giáo dục, của thầy giáo, cô giáo mà còn là hoạt động của tình đoàn kết của sự năng động, sáng tạo, ứng xử văn minh, thi đua dạy tốt theo đúng tinh thần chủ đề của Hội trại đã đề ra. Đây là hoạt động lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố để chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hoạt động này vừa giúp cho giáo viên toàn ngành được giao lưu, sinh hoạt, vui chơi cùng nhau, vừa bồi dưỡng và phát triển được các giá trị văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng Cách Mạng, đạo đức lối sống cho giáo viên thông qua các hoạt động trong Hội trại.

*Giải bóng chuyền công nhân viên chức lao động khối trường học thành phố Thủ Dầu Một năm 2022

Giải đấu với 69 đội từ 46 trường học cấp MN, TH, THCS tham gia, đã tạo được không khí sôi nổi hơn những năm trước là do các đơn vị đã lớn mạnh về số lượng và chất lượng kể cả các đơn vị xa trung tâm thành phố, tất cả đã hòa vào giải đấu một cách hào hứng, khí thế chào mừng 40 năm kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt năm. Giải Bóng chuyền năm 2022 thật sự là sân chơi bổ ích, lành mạnh để các đơn vị giao lưu học hỏi lẫn nhau, củng cố tinh thần đoàn kết giữa các đồng nghiệp, các đơn vị trường học trên địa bàn, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thêm gần gũi, thân thiện và hiệu quả.    

* Hoạt động thi viết tin, bài tuyên dương giáo viên với chủ đề ‘ Gương sáng giáo viên”, chuyên đề ‘Thầy cô trong trái tim em”

Hoạt động được triển khai từ tháng 9/2022.  Đến nay, trên trang thông tin điện tử của PGDĐT đã nhận hơn 63 bài viết của 31 đơn vị tham gia với chủ đề “Gương Sáng giáo viên” và 129 bài viết của 16 đơn vị tham gia về chủ đề ‘Thầy cô trong trái tim em”. Qua hoạt động nhằm tôn vinh, tri ân tấm gương nhà giáo đã có công trong sự nghiệp dạy học và nhân rộng tấm gương sáng trong nghề giáo. Đây cũng là dịp để các em học sinh được bài tỏ tấm lòng tri ân đến những người thầy giáo, cô giáo đã từng chăm lo, dạy dỗ giúp cho các em ngày một trưởng thành.

* Hội thi tiếng hát giáo viên năm 2022

Đến với liên hoan tiếng hát giáo viên ngành GD&ĐT tỉnh Bình Dương lần thứ V-2022, Ngành GDĐT thành phố Thủ Dầu Một tham dự Hội thi với chủ đề “Quê hương đất nước”, từ những thầy cô giáo hàng ngày vẫn đứng trên bục giảng, bên trang giáo án, đã trở thành nghệ sĩ, những diễn viên dễ thương, xinh đẹp và biểu diễn bằng sự tự tin, nhiệt tình của mình. Họ hát rất hay, múa rất đẹp đã góp phần khơi dậy cho khán giả niềm tự hào về quê hương đất nước và tự hào góp cho đời những công dân yêu nước, biết phấn đấu học tập, rèn luyện, ra sức xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.  
* Phối hợp Thành đoàn thành phố TDM phát động các cuộc thi đến các cơ sở trường học trực thuộc nhằm chào mừng chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022, gồm các nội dung thi như:
- Thi Cắm hoa nghệ thuật: Mỗi trường sẽ thực hiện cắm 01 bình hoa với chủ đề cùng với bài thuyết trình về bình hoa của đơn vị
- Cuộc thi tiềm kiếm tài năng MC học đường
- Thi viết chữ đẹp “Nét bút tri ân”: Các em học sinh tham gia dự thi sẽ trình bày và viết thông điệp, lời chúc (tối thiểu 30 từ) gửi đến các thầy cô nhân ngày 20/11. 
- Cuộc thi thiết kế sản phẩm tái chế: Mỗi đơn vị thực hiện một sản phẩm bất kỳ bằng vật liệu tài chế, dễ tìm …để hoàn thành một sản phẩm ý nghĩa dành tặng thầy, cô giáo nhân ngày 20/11. 
- Cuộc thi Nét đẹp tình thầy, cô với học trò chủ đề: “Hoa nắng sân trường” gồm 04 phần thi: Thi ảnh đẹp tình thầy (cô) và học trò; thi Tiếng hát thầy cô và học trò với chủ đề “Tri ân thầy cô”; Thi thời trang nét đẹp tình thầy cô và học trò với chủ đề “nét đẹp thầy trò”; Thi thiết kế thiệp

* Bên cạnh đó, Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng phát động các cơ sở và chọn cử học sinh tham gia các Hội thi do Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai nhằm Chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022) như:
- Cuộc thi làm Video clip với Chủ đề: “Giới thiệu mái trường tôi yêu” (từ 15/8/2022 đến 30/9/2022).
- Cuộc thi đọc sách và kể chuyện theo sách (tháng 8/2022). 
- Cuộc thi hùng biện tiếng Anh dành cho học sinh TH, THCS, THPT (tháng 10/2022).
- Hội thi An toàn Giao thông học sinh năm 2022 (tháng 10/2022).

* Hoạt động thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 đối với các trường THPT công lập, trường phổ thông có nhiều cấp học ngoài công lập và Trung tâm GDTX-BDNV tỉnh trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một; thăm hỏi, chúc mừng các nhà giáo đã có những cống hiến, đóng góp công sức cho ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố qua các thời kỳ.
“Chuyện một con đò dãi dầm nắng mưa
Lặng lẽ chở bao dòng người xuôi ngược
Khách sang sông tiếp hành trình phía trước
Có ai nhớ chăng hình ảnh con đò…?”
Năm tháng đằng đẵng trôi, người lái đò vẫn mãi lặng thầm lái những con đò tri thức nối nhau cập bến, bỏ quên nỗi nhọc nhằn mà mỉm cười nhìn đàn con thơ tung cánh về tương lai…
 
Để bày tỏ tấm lòng tri ân tới các thế hệ giáo viên đã dành tâm huyết cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục của quê hương thành phố Thủ Dầu Một, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo việt Nam, ngành GDĐT thành phố đã tham mưu Thường trực thành ủy đến thăm hỏi, tặng hoa chúc mừng đối với các trường THPT công lập, trường phổ thông có nhiều cấp học ngoài công lập và Trung tâm GDTX-BDNV tỉnh trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một; Đến thăm hỏi các nhà giáo đã có những cống hiến, đóng góp công sức cho ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố qua các thời kỳ. Các thầy cô đều là những giáo viên gắn bó với Ngành từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn và thử thách.

Có câu nói, nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Những lời giảng đầy nhiệt huyết cùng sự quan tâm ân cần của các thầy cô đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò trưởng thành. Như những người lái đò tận tụy đêm ngày, các thầy cô đã đưa biết bao thế hệ học trò qua dòng sông tri thức để cập bến bờ tương lai mơ ước. Như một dòng chảy không ngừng, chúng tôi, thế hệ giáo viên hiện tại sẽ tiếp nối, luôn luôn noi gương các thầy cô đi trước, luôn vững tin và phấn đấu trong sự nghiệp “trăm năm trồng người”./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Nhận xét của bạn về hoạt động cung cấp thông tin của Phòng GDĐT trên môi trường mạng

VĂN BẢN MỚI

1360/PGDĐT

Triển khai hồ sơ cấp lại bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc

Ngày ban hành: 13/08/2024

1080/PGDĐT

Triển khai hồ sơ chuyển trường đối với học sinh trung học cơ sở

Ngày ban hành: 18/07/2024

299/PGDĐT

Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS

Ngày ban hành: 11/03/2024

293/PGDĐT-TCCB

Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức

Ngày ban hành: 08/03/2024

212/PGDĐT

Triển khai an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục

Ngày ban hành: 23/02/2024

HỆ THỐNG NGHIỆP VỤ

Phòng Giáo dục và Đào tạo
Bộ giáo dục đào tạo
Đế án Hệ tri thức Việt số hóa
Văn bản pháp quy - hành chính
Phần mềm quản lý phổ cập giáo dục
Kho Bài Giảng E-LEARNING
1022 Bình Dương
UBND thành phố
Fanpage Bình Dương
Fanpage Sở GDĐT
phapdien
i-Speed
VNEiD

CÁC TRƯỜNG TRỰC THUỘC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây