“Chọn mặt gửi vàng”
Hàng năm, cứ vào thời điểm hè là hầu hết các bậc PH lại lo lắng chọn trường học tốt nhất cho con, đặc biệt là với các em cuối cấp, việc tìm được một ngôi trường lý tưởng thực sự đã làm “đau đầu” với nhiều bậc PH.
Hiện nay, tại Bình Dương có khá nhiều trường học khang trang ở mọi cấp học mọc lên. Tuy nhiên, “chất” bên trong của trường thì còn là vấn đề không dễ khẳng định trong ngày một ngày hai. Tìm hiểu về các hệ trường công lập, tư thục hay quốc tế, lãnh đạo các trường này đều có thể vanh vách liệt kê các “điểm mạnh” của mình. Vị hiệu trưởng một trường khá tên tuổi tại TP.Thủ Dầu Một cho rằng: “Hiện nay, chưa có một thang điểm đánh giá cụ thể nào cho chất lượng các trường công, tư hay quốc tế. Tuy nhiên, chất lượng thực tế thì trường tư chưa đủ sức vượt qua khối trường công. Khối trường công lập hiện rất được chú trọng đầu tư cơ sở vật chất giảng dạy, có thể nhiều trường tư sẽ... thua đấy”. Vị này cũng nói thêm, với xu hướng “trọn gói” các cấp học sẽ gây khó khăn trong việc quản lý vì “chuyên môn của từng cấp, bậc khác nhau. Ví dụ, cùng là 4 người quản lý, nhưng ở một cấp học, người quản lý sẽ dễ hoạch định và tâm huyết hơn là phải “nắm” ở nhiều cấp.
Tuy nhiên, lợi thế trong điều kiện kinh phí xây dựng trường và nắm bắt được nhu cầu đòi hỏi chất lượng ngày càng cao của PH, đa số các trường tư thục lại cho rằng họ có thế mạnh rất lớn về môi trường học tập. Hiệu trưởng một trường “ôm” nhiều cấp học ở TX.Thuận An giới thiệu về trường học do ông quản lý: “Đây là một ngôi trường thực hiện giáo dục tiên tiến, thân thiện, với phương pháp giảng dạy và học tập tiên tiến, giúp học sinh xác định động cơ học tập tốt để đạt mục tiêu. Trường được tổ chức theo chương trình học bán trú và nội trú, phòng nghỉ trưa riêng. Đặc biệt, khu nội trú nam, nữ riêng biệt dành cho toàn bộ học sinh của trường. Có đầy đủ phòng chức năng, hồ bơi, thư viện điện tử, sân
thể thao đa năng, kết nối internet...”. Hay như: “Học chương trình quốc tế ngay tại Bình Dương, bằng cấp được chứng nhận toàn cầu, lại tiết kiệm được nhiều chi phí mà chất lượng đào tạo lại tương đương đang là chọn lựa “sáng suốt và tiết kiệm” cho tương lai của con em chúng ta”...
Gay gắt và sôi nổi nhất trong cuộc chạy đua vẫn là ở cấp mầm non, tiểu học. Chị Nguyễn Tuyết Nhung tỏ ra khá sốt sắng: “Nhà mình ở thành phố mới Bình Dương, con chuẩn bị vào lớp 1, hai vợ chồng có ý định cho con đi du học nên muốn cho bé học trường quốc tế để chuẩn bị cho bé ngay từ bây giờ”. Còn gia đình chị Hà (ngã tư Hòa Lân, TX.Thuận An) tỏ ra rất vui mừng khi “chạy trường điểm” thành công cho con vào lớp 1. “Học trường quốc tế chi phí rất cao nên vợ chồng mình quyết định chọn trường công. Hồ sơ thì nhiều nhưng số lượng đầu vào khá ít và chọn lọc nên tốt nhất là cứ “lo” trước, an tâm hơn là phải thức lúc 1 - 2 giờ sáng để nộp hồ sơ mà chắc gì đã được”.
Phụ huynh cần cân nhắc kỹ
Cho rằng “chương trình đào tạo ở Việt Nam không giúp trẻ theo thực tế, nặng lý thuyết” nên anh Vũ Thanh Phương (TX.Dĩ An) đã rất kỹ càng trong việc tìm trường cho con. “Con mình theo học ở trường quốc tế S., ngoài chương trình của trường thì các bé từ lớp 1 đến lớp 9 vẫn học cả chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo nên vì lý do gì đó con không theo học được mình vẫn có thể quay lại hệ thống giáo dục Việt Nam”. Theo ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh thì: “Theo quy định, học sinh học theo cơ sở địa bàn từ lớp 1 đến lớp 9, riêng lớp 10 thì các em trúng tuyển học chuyên hoặc không chuyên theo đăng ký. Trường công không trúng thì tới trường tư (chi phí đắt hơn) nhưng ở trường tư cao cấp, các em được thụ hưởng “cao cấp” hơn. Nói chung, người có tiền khác, người không có tiền khác, PH nên tùy vào điều kiện hoàn cảnh gia đình mà chọn trường cho con”, vị này khẳng định.
Tùy điều kiện kinh tế gia đình để chọn trường cho con. (Trong ảnh: Môn thể thao giải trí dành cho giáo viên và học sinh trong trường quốc tế) |
Tâm lý chung của các bậc PH ai cũng khao khát, đặt quá nhiều hy vọng vào “cục cưng”, muốn con yêu của mình được vào học những trường có tiếng một chút. Trong đó, có một số người không biết con mình có đủ năng lực để học trường đó hay không, mà chọn trường “điểm” cho con chỉ là để hãnh diện “Con tôi học ở trường A,
trường B”. Và họ tìm đủ mọi cách miễn sao con mình được vào học một trong những trường danh tiếng...
Theo kinh nghiệm và chia sẻ của các vị lãnh đạo từ các loại hình đào tạo thì việc đánh giá chất lượng giáo dục của các trường cần dựa vào môi trường học và “thương hiệu” mà trường đã xây dựng. Các trường có “thương hiệu” là nhờ có được đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, nhiệt tình, tâm huyết; có được đội ngũ giáo viên với chất lượng giảng dạy tương đối khá giỏi; có cơ sở vật chất bảo đảm, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Hiệu quả đào tạo tăng lên hàng năm. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình và sức học của con cũng là những yếu tố quan trọng bảo đảm việc học hành cho con.
Như vậy, dù cho các trường có “chạy đua” quảng cáo với những lời hoa mỹ đến thế nào đi nữa thì quyền lựa chọn vẫn nằm trong tay các bậc PH. Tuy nhiên, cuộc đua này chưa bao giờ giảm nhiệt, áp lực đặt lên gia đình, học sinh và nhà trường sau mỗi mùa tuyển sinh cũng như trong quá trình học tập... Vì vậy, vai trò của gia đình và nhà trường chính là cầu nối khơi dậy tiềm năng, tạo cho các em niềm tin vào chính mình, động viên và tiếp thêm động lực để các em tự mở cánh cửa vào tương lai.
Thầy Nguyễn Văn Đúng, cựu giáo viên trường THSC Tân An (nay là trường THCS Trần Bình Trọng): “PH đừng “khoán” con em cho trường”
Với kinh nghiệm hơn 40 năm tham gia giảng dạy, tôi thấy có sự khác biệt rất lớn giữa thế hệ trước và thế hệ học sinh bây giờ. Trước đây, giáo viên chúng tôi chỉ dạy “khô”, còn bây giờ, chương trình học, điều kiện phục vụ giảng dạy hiện đại hơn. Số lượng học sinh thi và đoạt giải thưởng quốc tế cũng nhiều. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện nay, nhiều bậc PH ham làm kinh tế, họ thường “khoán” con cho nhà trường, con đi học hay đi chơi cũng không biết. Một bộ phận giáo viên thì chạy theo đồng tiền, học sinh lên được cấp 3 mà kiến thức cấp 2 còn hổng rất nhiều. Người dạy “chạy” theo thành tích, “kê” lên điểm tốt, điểm giỏi để đánh vào tâm lý PH.
Tác giả: L.M.T
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Triển khai hồ sơ chuyển trường đối với học sinh trung học cơ sở
Ngày ban hành: 18/07/2024
Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS
Ngày ban hành: 11/03/2024
Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức
Ngày ban hành: 08/03/2024
Triển khai an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục
Ngày ban hành: 23/02/2024