Chuẩn bị cho việc triển khai tiếng Anh tăng cường ở lớp 6, từ năm học 2007-2008, ngành GD-ĐT đã triển khai thí điểm tiếng Anh tăng cường lớp 1 ở một số trường đạt chuẩn quốc gia và đến năm học 2009-2010 triển khai đại trà đến tất cả trường chuẩn. Từ năm học 2010-2011, một số trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày và có điều kiện dạy tiếng Anh cũng có chủ trương thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường. Đối với HS lớp 3, 100% HS đều được học tiếng Anh và chương trình cũng được thực hiện đại trà cho 100% HS từ lớp 6 trở lên ở tất cả các trường THCS.
Học tiếng Anh là nhu cầu, là công cụ cần thiết hỗ trợ cho việc học của HS sau này. Trong thời đại hội nhập quốc tế như hiện nay, tiếng Anh trở nên tối cần thiết mà tất cả HS đều phải biết để tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, đồng thời đáp ứng cho yêu cầu công việc sau này. Do đó, ngành GD-ĐT có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực mới của xã hội. Từ những cơ sở trên, ngành nhận thấy, không chỉ triển khai đại trà chương trình tiếng Anh cho HS, mà nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường cũng được ngành đặt ra và xem đây là nhiệm vụ cấp thiết. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT bày tỏ quan điểm, mục tiêu ngành đeo đuổi là nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh nói chung trong trường phổ thông ở cả 3 cấp học. Trang bị cho HS đủ kỹ năng và sự tự tin trong giáo tiếp bằng tiếng Anh phù hợp với trình độ hay cấp lớp mà các em đang theo học ở trường phổ thông. Tăng dần tỷ lệ HS thi đậu tốt nghiệp THPT ở môn tiếng Anh sau mỗi năm học và chuẩn bị vốn ngoại ngữ cho HS khi các em hoàn thành chương trình THPT. Hướng giáo viên (GV) và HS đạt đến tiêu chuẩn về năng lực sử dụng tiếng Anh cho mỗi cấp học theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu. Khôi phục và nâng cao uy tín, niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục công lập trong việc trang bị năng lực ngoại ngữ cho nguồn lao động mới nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội.
Để thực hiện thành công đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông”, những giải pháp thực hiện cũng được ngành GD-ĐT tính đến. Theo kế hoạch, từ năm học 2012-2013, toàn bộ HS lớp 1 sẽ được học tiếng Anh từ học kỳ II. Ở cấp tiểu học sẽ lấy môn tiếng Anh làm môn tự chọn cho HS. Đối với HS lớp tạo nguồn, trường chuyên bắt buộc kiểm tra kỹ năng nói ở các đợt thi học kỳ. Về đội ngũ, ngành đào tạo, xây dựng đội ngũ đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng. Thời gian qua ngành đã đưa một số GV đi đào tạo ở trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Ngoài ra một số huyện, thị đã phối hợp với các trung tâm Anh ngữ đào tạo cho GV dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học và THCS. Cũng theo ông Phương, sắp tới ngành bồi dưỡng thật kỹ năng lực ngoại ngữ, phối hợp với hội đồng Anh bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho GV, tiếp tục bồi dưỡng khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Để hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy đạt chất lượng không thể không tính đến việc trang bị các trang thiết bị, phương tiện giảng dạy. Để đáp ứng yêu cầu dạy kỹ năng nghe, ngành sẽ đầu tư cho toàn bộ trường THCS, THPT thiết bị nghe; trường tạo nguồn, trường chuyên được trang bị thêm thiết bị đa chức năng. Trước mắt, trong năm học 2012-2013 Sở GD-ĐT có kế hoạch trang bị 7 phòng học ngoại ngữ khá hiện đại cho 7 trường THCS dạy tiếng Anh tăng cường lớp 6 và trường tạo nguồn. Ngoài ra, ngành cũng có kế hoạch lập các thư viện tiếng Anh phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập của thầy và trò. Các cuộc thi HS giỏi, thi hùng biện, Olympic, tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh... cũng là những hoạt động ngoại khóa hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông, được ngành tính toán thực hiện.
Dự kiến sau khi hoàn thành đề án trong 5 năm (2012-2017), GV dạy tiếng Anh bậc tiểu học và THCS phải đạt TOEFL từ 500 đến 550 điểm trở lên hoặc chứng chỉ quốc tế khác có giá trị tương đương. GV dạy tiếng Anh bậc THPT và các chuyên viên tiếng Anh ở các phòng GD-ĐT phải đạt TOEFL từ 550 đến 600 điểm trở lên hoặc chứng chỉ quốc tế khác có giá trị tương đương. Về kỹ năng dạy học, 100% GV tiếng Anh được tham gia các chương trình tập huấn về kỹ năng dạy học mới, giúp HS tích cực, chủ động tìm hiểu và lĩnh hội kiến thức mới. Tiêu chuẩn đầu ra của HS: HS học xong tiểu học sẽ đạt trình độ Movers của khung năng lực ngoại ngữ châu Âu; HS hoàn thành THCS đạt trình độ tiếng Anh tương đương chứng chỉ Ket của khung năng lực ngoại ngữ châu Âu; HS THPT không chuyên sẽ có trình độ tiếng Anh tương đương chứng chỉ Pet của khung năng lực ngoại ngữ châu Âu. Cải thiện tỷ lệ HS thi đậu tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh từ 80% trở lên. HS có kỹ năng giao tiếp, ứng xử tiếng Anh tốt...
Tác giả: L.M.T
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Triển khai hồ sơ chuyển trường đối với học sinh trung học cơ sở
Ngày ban hành: 18/07/2024
Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS
Ngày ban hành: 11/03/2024
Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức
Ngày ban hành: 08/03/2024
Triển khai an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục
Ngày ban hành: 23/02/2024