Trước đây, việc điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thư viện được thực hiện theo Pháp lệnh Thư viện ngày 28/12/2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X về thư viện. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ một số điểm hạn chế khi Pháp lệnh Thư viện chỉ điều chỉnh 02 loại hình là thư viện công cộng và thư viện chuyên ngành, đa ngành nên đã giới hạn các chủ thể khác có nhu cầu thành lập thư viện mà không có cơ sở pháp lý để ghi nhận. Điều này đã làm giới hạn nguồn tài liệu đến các đọc giả, khi nhiều cá nhân có vốn tài liệu đủ để đáp ứng yêu cầu của thư viện, thậm chí có những tài liệu rất giá trị và cần thiết cho người đọc nhưng lại không có cơ hội được phục vụ, đáp ứng nhu cầu cho người đọc. Pháp lệnh Thư viện chỉ điều chỉnh hệ thống thư viện công lập, chủ yếu các thư viện là do cơ quan nhà nước thành lập bằng nguồn ngân sách nhà nước, mà chưa có quy định nào cho phép các cá nhân, tổ chức khác được quyền thành lập thư viện nên đã hạn chế trong việc khai thác nguồn lực thông tin của thư viện, không đáp ứng được số lượng sách cần để cung cấp cho người đọc.
Xuất phát từ những hạn chế trên và để bảo đảm hiệu lực pháp lý cho việc điều chỉnh vấn đề liên quan đến thư viện được ngang với các văn bản pháp luật chuyên ngành khác mà ngày 21/11/2019, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện (Luật số 46/2019/QH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 thay thế Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10. Luật Thư viện năm 2019 quy định 06 Chương 52 Điều, bao gồm:
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG (Từ Điều 1 đến Điều 8) quy định: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Chức năng, nhiệm vụ của thư viện; Chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện; Xã hội hóa trong hoạt động thư viện; Tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thư viện.
Chương II. THÀNH LẬP THƯ VIỆN (Từ Điều 9 đến Điều 23) quy định: Các loại thư viện; Thư viện Quốc gia Việt Nam; Thư viện công cộng; Thư viện chuyên ngành; Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân; Thư viện đại học; Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam; Điều kiện thành lập thư viện; Thành lập thư viện công lập; Thành lập thư viện ngoài công lập; Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện; Đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện; Thông báo việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện.
Chương III. HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN (Từ Điều 24 đến Điều 37) quy định: Nguyên tắc hoạt động thư viện; Xây dựng tài nguyên thông tin; Xử lý tài nguyên thông tin và tổ chức hệ thống tra cứu thông tin; Bảo quản tài nguyên thông tin; Tạo lập, cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện; Liên thông thư viện; Phát triển văn hóa đọc; Phát triển thư viện số; Hiện đại hóa thư viện; Truyền thông thư viện; Phối hợp giữa thư viện với cơ quan, tổ chức; Nguồn tài chính của thư viện; Hợp tác quốc tế về thư viện; Đánh giá hoạt động thư viện.
Chương IV. QUYỀN, NGHĨA VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN (Từ Điều 38 đến Điều 47) quy định: Quyền của thư viện; Trách nhiệm của thư viện; Quyền của người làm công tác thư viện; Nghĩa vụ của người làm công tác thư viện; Quyền của người sử dụng thư viện; Nghĩa vụ của người sử dụng thư viện; Quyền của người sử dụng thư viện đặc thù; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập thư viện; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thư viện; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chương V. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THƯ VIỆN (Từ Điều 48 đến Điều 50) quy định: Trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện của Chính phủ; Trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện của Ủy ban nhân dân các cấp.
Chương VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH (Điều 51 đến Điều 52) quy định: Hiệu lực thi hành; Điều khoản chuyển tiếp.
Theo khoản 1 Điều 30 Luật Thư viện năm 2019 quy định: “Ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” nhằm khuyến khích tinh thần say mê đọc sách, khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao vốn hiểu biết không chỉ về kiến thức khoa học mà còn cả về các khía cạnh xã hội, giao tiếp để phát triển tư duy, hình thành lối sống tích cực và rèn luyện nhân cách con người. Trên cơ sở đó, ngày 04/11/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1682/QĐ-TTg về việc Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam để góp phần nâng cao việc tổ chức thực hiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Hơn nữa, ngày 14/4/2022 Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Công văn số 772/SGDĐT-GDTrHTX về việc Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 để các đơn vị triển khai thực hiện nhằm khơi dậy lòng ham mê đọc sách, hình thành thói quen đọc sách trong trường học, cơ quan, tổ chức. Trong đó, tập trung vào các hoạt động chính sau:
- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 đến cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, học viên.
- Khuyến khích cha mẹ học sinh đồng hành, ủng hộ các phong trào xây dựng tủ sách lớp học; tổ chức các hoạt động luân chuyển sách, báo, tài liệu và trưng bày, giới thiệu sách; xây dựng các góc đọc, thư viện cùng học.
- Tiếp tục hưởng ứng, tạo điều kiện cho học sinh, học viên tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc năm 2022” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Bên cạnh đó, trên cơ sở những quy định của Luật Thư viện năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành những quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông nhằm góp phần thúc đẩy việc xây dựng, tạo môi trường đọc sách đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của người đọc, thúc đầy tinh thần đọc sách trong trường học. Cụ thể, Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ngày 02/01/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông; Quyết định số 01/2004/QĐ-BGDĐT ngày 29/01/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ngày 02/01/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông; Công văn số 11185/GDTH ngày 17/12/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 5 tiêu chuẩn để đánh giá các thư viện trường phổ thông gồm: Về sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa; Về cơ sở vật chất; Về nghiệp vụ; Về tổ chức và hoạt động; Về quản lý thư viện. Đồng thời, quy định 3 danh hiệu thư viện gồm: Thư viện đạt chuẩn; Thư viện tiên tiến; Thư viện xuất sắc. Nhằm bảo đảm việc cung cấp nguồn tài liệu tốt đến với người học, giáo viên và bảo đảm chất lượng cho các thư viện phục vụ tốt hơn, từ ngày 6/4 đến ngày 25/4/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành kiểm tra thư viện đạt chuẩn, tiên tiến, xuất sắc theo kế hoạch năm học 2021-2022 tại các cơ sở giáo dục tiểu học trong tỉnh. Kết quả cho thấy, trong những năm vừa qua, số lượng các trường đạt chuẩn thư viện đang ngày gia tăng. Điều này cho thấy sự quan tâm của các đơn vị đối với thư viện để phục vụ bạn đọc (học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, …). Đây là tín hiệu đáng mừng để khuyến khích tinh thần đọc sách của các em học sinh và bảo đảm việc cung cấp đầy đủ sách, đáp ứng nhu cầu cho các em./.
Tác giả: Ban biên tập
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Triển khai hồ sơ chuyển trường đối với học sinh trung học cơ sở
Ngày ban hành: 18/07/2024
Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS
Ngày ban hành: 11/03/2024
Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức
Ngày ban hành: 08/03/2024
Triển khai an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục
Ngày ban hành: 23/02/2024