Các nhà giáo kháng chiến: Một thời hào hùng

Chủ nhật - 18/11/2012 06:22
Trong thời kỳ chiến tranh, dù điều kiện khó khăn nhưng Đảng ta vẫn gầy dựng và duy trì phong trào học tập ở khắp nơi. Riêng tại Bình Dương (tỉnh Thủ Dầu Một xưa), phong trào giáo dục trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vẫn phát triển, trường lớp được mở mang.

 Gầy dựng phong trào

Lúc còn sống, bà Nguyễn Thị Rẽ, nguyên Trưởng Tiểu ban giáo dục Thủ Dầu Một đã từng kể với chúng tôi, Tiểu ban giáo dục tỉnh được thành lập tháng 6-1962 tại đồng Bàu Rô, thuộc ấp 10, xã Thanh Tuyền. Ngày ấy tiểu ban chỉ có 3 người, có nhiệm vụ bồi dưỡng chính trị và bổ túc văn hóa cho cán bộ huyện ủy và xã. Lúc này trường lớp chưa có, các học viên chặt cây, cắt tranh dựng trường, đào hầm trú ẩn, đào giao thông hào tránh bom đạn giặc.

 

Hàng năm các nhà giáo kháng chiến cùng nhau họp mặt ôn lại kỷ niệm xưa

Là một trong 3 người đầu tiên trong Tiểu ban giáo dục, ông Nguyễn Văn Tài (Dầu Tiếng) nhớ lại, đầu năm 1965 phong trào giáo dục toàn tỉnh phát triển mạnh, vì vùng giải phóng của ta được mở rộng. Ngoài dạy cho cán bộ, đối tượng học được mở rộng ra con em cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện, con thương binh, liệt sĩ, con em nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, tiểu ban nhanh chóng tập hợp, đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy. Năm 1966 tất cả cán bộ tập trung xuống các xã vận động xây dựng trường lớp và bồi dưỡng giáo viên. Lúc này, các vùng giải phóng có trường lớp phát triển mạnh như Thanh Tuyền, Thanh An, An Tây, Phú An, An Điền, Long Nguyên, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi. Các trường có từ 1 đến 3 lớp, xây dựng công khai, phân tán nhỏ hoặc bán công khai, nửa kín nửa hở dưới những tán cây lớn hoặc xây dựng bí mật, có đào hầm giao thông tránh bom đạn.

Dù điều kiện khó khăn, nhưng để tẩy chay nền giáo dục phản động của giặc, Tiểu ban giáo dục tỉnh đã về Tiểu ban giáo dục Trung ương Cục R mượn tài liệu, sách giáo khoa từ miền Bắc gửi vào tái bản và phát hành cho các trường.

Phong trào giáo dục tỉnh Thủ Dầu Một phát triển mạnh từ cuối năm 1962 đến 1966, đỉnh cao là năm 1965-1966. Trong chiến tranh, nhiều trường lớp bị phá hủy, nhiều giáo viên đã hy sinh anh dũng, nhưng phong trào giáo dục vẫn duy trì và phát triển trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt.

Chiến đấu giành con chữ

Nhắc lại một thời hào hùng, ký ức của những người thầy thời kháng chiến vẫn còn ngồn ngộn. Hơn bao giờ hết, tinh thần yêu nước thương nòi càng trở nên mãnh liệt trong trái tim mỗi người dân Việt yêu nước. Mặt trận chiến đấu diệt giặc dốt cũng vô cùng gian nan ác liệt. Trong vòng vây kẻ thù, những nhà giáo vẫn hiên ngang mở trường, mở lớp, vận động con em nhân dân đi học. Cô Nguyễn Thị Mai, nguyên giáo viên kháng chiến ở xã Chánh Phú Hòa nhớ lại: “Ngày đó tôi ốm yếu lắm, nhưng vì yêu nước, yêu đồng bào tôi sẵn sàng dấn thân. Các giáo viên làm việc với tinh thần là chính, lương bổng không có nhưng không ai màng tới. Ngày đó chúng tôi làm việc không biết mệt, mỗi ngày dạy 3 ca, ngày thì dạy cho con em nhân dân, đêm dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ, du kích”.

 

Ông Dương Văn Nồng (bìa trái) xem những tư liệu ghi lại những đóng góp to lớn của các nhà giáo kháng chiến

“Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh…”, lời bài hát thêm một lần ca ngợi những người con sẵn sàng hy sinh xương máu, tuổi xuân vì hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc. Với các nhà giáo kháng chiến, dù có người không cầm súng chiến đấu, nhưng họ làm việc trong điều kiện vô cùng hiểm nguy, đối diện với cái chết trong gang tấc. Biết cách mạng mở trường học, giặc lùng sục, làm khó dễ các giáo viên, nhưng họ vẫn một lòng một dạ với Tổ quốc, vẫn bám trường, bám lớp. Ông Dương Văn Nồng, nhà giáo kháng chiến xã Hòa Lợi (Bến Cát) kể lại, có lúc đang dạy, giặc bố ráp, máy bay trực thăng quần đảo, thầy trò chạy tán loạn, nhưng khi giặc rút chúng tôi lại vận động học sinh tiếp tục ra lớp học.

Trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tỉnh Thủ Dầu Một đã có 29 nhà giáo và cán bộ ngành giáo dục hy sinh. Giờ đây, mỗi khi nhắc lại kỷ niệm xưa, các nhà giáo không khỏi xúc động trước sự hy sinh anh dũng, ngoan cường của nhà giáo Trần Thị A, nhà giáo Nguyễn Văn Cán. Trong lúc đang đứng lớp, giặc thả bom xăng, khiến cho 2 nhà giáo chết cháy. Sự tàn ác của giặc Mỹ càng làm gia tăng ý chí căm thù giặc của quân và dân ta. Giặc phá trường chỗ này, các nhà giáo di chuyển trường sang khu vực khác, thậm chí chuồng trâu cũng được tận dụng sửa chữa làm lớp học. Ở khu vực xã Hòa Lợi có nhà giáo Lâm Thanh Đáo có công đóng góp rất lớn cho phong trào giáo dục thời kháng chiến. Ngày đó thầy vừa dạy học, vừa cầm súng đánh giặc. Chính sự dũng cảm của thầy đã làm cho giặc thêm tức tối. Trong lúc chiến đấu thầy đã rơi vào tay giặc, nhưng thầy vẫn giữ vững khí tiết của người cách mạng. Không moi được thông tin gì từ thầy, giặc đã cột ông vào xe tăng và lôi cho đến chết.

Tiểu ban giáo dục tỉnh Thủ Dầu Một từ khi thành lập đã duy trì hoạt động cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau giải phóng, đội ngũ nhà giáo kháng chiến có người tiếp tục tham gia hoạt động trong ngành giáo dục, người thì chuyển ngành khác và có người trở về công tác ở địa phương. Dù ở vị trí nào, họ vẫn thể hiện tinh thần yêu quê hương đất nước và cống hiến sức lực xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Phó Tiểu ban giáo dục Thủ Dầu Một: Nhà giáo cần tu dưỡng, rèn luyện bản thân

Năm 1966 tôi đã tham gia vào Hội nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam, năm 1972 là Phó Tiểu ban giáo dục Thủ Dầu Một. Không riêng gì tôi, ngày ấy các nhà giáo có nhận thức, lý tưởng cách mạng, có tự giác cao nên dù cuộc sống có khó khăn, thậm chí bị sốt rét rừng hoành hành vẫn không làm các nhà giáo nao núng. Ngày nay, do tác động của cơ chế thị trường nên lương tâm nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên bị phai nhạt, tổ chức dạy thêm tràn lan, làm ảnh hưởng đến uy tín của người thầy. Ngày xưa, thế hệ nhà giáo kháng chiến hoạt động trong gian khổ còn chịu đựng được, các nhà giáo hôm nay nên lấy đó làm tấm gương để tu dưỡng, rèn luyện bản thân, xứng đáng là người thầy mẫu mực cho học sinh noi theo.

Ông Dương Văn Nồng, nhà giáo kháng chiến xã Hòa Lợi (Bến Cát): Xây dựng nền văn hóa giáo dục cách mạng

Năm 1964 tôi được cấp trên chỉ đạo mở trường dạy cho con em nhân dân địa phương. Tôi được đưa đi đào tạo khóa sư phạm. Khi trở về tôi vận động các đoàn thể đóng góp công sức xây trường. Thời đó đâu đâu cũng có thể trở thành lớp học, nhà dân, dưới hầm, thậm chí chuồng trâu cũng là nơi để dạy học. Còn các giáo viên, có người vừa đánh giặc vừa dạy học. Trường học là mục tiêu đánh phá bằng phi pháo của địch, dù dạy học trong điều kiện vô cùng hiểm nguy nhưng tinh thần ai cũng hăng say, quyết tâm xây dựng nền văn hóa giáo dục cách mạng.

Tác giả: L.M.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THĂM DÒ Ý KIẾN

Học sinh có những điều kiện nào phục vụ việc học qua Internet?

VĂN BẢN MỚI

299/PGDĐT

Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS

Ngày ban hành: 11/03/2024

293/PGDĐT-TCCB

Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức

Ngày ban hành: 08/03/2024

212/PGDĐT

Triển khai an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục

Ngày ban hành: 23/02/2024

202/PGDĐT

Báo cáo kết quả tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Ngày ban hành: 21/02/2024

162/PGDĐT

Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục năm 2024

Ngày ban hành: 31/01/2024

HỆ THỐNG NGHIỆP VỤ

Phòng Giáo dục và Đào tạo
Bộ giáo dục đào tạo
Đế án Hệ tri thức Việt số hóa
Văn bản pháp quy - hành chính
Phần mềm quản lý phổ cập giáo dục
Kho Bài Giảng E-LEARNING
1022 Bình Dương
UBND thành phố
Fanpage Bình Dương
Fanpage Sở GDĐT
phapdien

CÁC TRƯỜNG TRỰC THUỘC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây