Nhớ những người thầy...

Chủ nhật - 18/11/2012 06:22
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuộc chiến giữa ta và địch vô cùng cam go, nhưng nền giáo dục cách mạng vẫn duy trì, phát triển. Trong cuộc chiến diệt giặc dốt, Bình Dương có 29 nhà giáo và cán bộ giáo dục đã anh dũng ngã xuống. Ghi nhớ công ơn đóng góp của các nhà giáo liệt sĩ, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã quyết định truy tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 810 nhà giáo liệt sĩ, trong đó Bình Dương có 15 trường hợp.
Học sinh trường Nguyễn Quốc Phú tự hào khi được học ở ngôi trường mang tên một nhà giáo kháng chiến
Học sinh trường Nguyễn Quốc Phú tự hào khi được học ở ngôi trường mang tên một nhà giáo kháng chiến

Nhà giáo Nguyễn Quốc Phú: Một dạ kiên trung vì cách mạng

Tại xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên) có một ngôi trường mang tên Nguyễn Quốc Phú. Ngôi trường này ra đời nhằm ghi nhớ công ơn của nhà giáo liệt sĩ Nguyễn Quốc Phú, người đã có những đóng góp to lớn cho phong trào giáo dục trong kháng chiến chống Mỹ. Tìm về quê hương ông, hỏi thăm những người đồng đội và người thân, ai ai cũng thương tiếc người chiến sĩ cách mạng đã anh dũng, kiên trung, giữ vững khí tiết cho đến phút cuối.

Ông Nguyễn Quốc Phú, sinh năm 1940 tại xã Tân Hóa Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một xưa. Gia đình ông có truyền thống cách mạng. Cha tham gia kháng chiến chống Pháp, người anh cả cũng tham gia kháng chiến chống Pháp sau đó tập kết ra Bắc, anh kế tham gia kháng chiến chống Mỹ và đã anh dũng hy sinh, người anh cùng cha khác mẹ cũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Dù gia đình nghèo nhưng mẹ ông vẫn cho ông ăn học thành tài. Trong lúc đi dạy ở Bình Dương, ông ghi tên theo học Đại học Luật khoa và Đại học Văn khoa Sài Gòn. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp ông được phân công về dạy ở trường Tiểu học Tân Định, Bình Dương. Năm 1964 được đề bạt làm hiệu trưởng của trường. Do sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng nòi, đồng thời được tiếp xúc với các cán bộ cách mạng hoạt động bí mật ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Sau khi Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập, khoảng cuối năm 1965, Hội nhà giáo yêu nước trực thuộc tuyên huấn tỉnh được thành lập, ông Nguyễn Quốc Phú được bầu làm Phó Chủ tịch Hội nhà giáo yêu nước tỉnh và được kết nạp Đảng vào năm 1966. Sau đó, do bị chỉ điểm, ông bị bắt. Do không có chứng cứ buộc tội, cảnh sát ngụy phải thả ông ra, nhưng chúng bí mật chỉ thị cho lãnh đạo Ty Giáo dục Bình Dương điều động ông về dạy học tại trường Trung học cộng đồng Búng để chúng dễ giám sát, theo dõi.

Cuối năm 1966, do tình hình phong trào cách mạng ở Sài Gòn Gia Định phát triển mạnh, ông cùng tổ chức do mình phụ trách về công tác trong Ban trí vận mặt trận khu Sài Gòn - Gia Định. Về đây ông Nguyễn Quốc Phú càng phát huy sở trường trong việc xây dựng lực lượng cách mạng, hình thành đội ngũ hội viên “Hội các nhà giáo yêu nước” lên đến hàng chục người ở Bình Dương, Củ Chi, Gia Định, Khánh Hội và đông đảo quần chúng cảm tình ủng hộ cách mạng, góp phần tích cực trong việc tổ chức các buổi hội thảo ở Sài Gòn và các tỉnh: Bình Dương, Gia Định, Long Xuyên, Cần Thơ...

Tháng 6-1967, tổ chức bị vỡ, ông Phú bị địch vây bắt ở khu Bàn Cờ. Dù bị thương và bị tra tấn dã man cho đến chết, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết, kiên quyết không khai báo cho giặc.

Vũ Hoàng Khanh: Một nhà giáo liệt sĩ ngoan cường

Nhà giáo liệt sĩ Vũ Hoàng Khanh (tên khai sinh Võ Văn Ngộ), sinh năm 1940, hiện được thờ cúng tại nhà người em trai của ông là Vũ Hoàng Minh ở khu phố 9, phường Chánh Nghĩa, TP.TDM. Thân mật tiếp chúng tôi, ông Minh cho biết: “Tôi cũng là người của ngành giáo dục”. Ông nguyên là Trưởng phòng Giáo dục TX.Thủ Dầu Một. Ông giới thiệu ngắn gọn: “Tôi thứ bảy, anh Khanh tôi thứ tư”.

 

 Ông Bảy Minh bên di ảnh liệt sĩ Vũ Hoàng Khanh

Nhà ông có 7 anh chị em và có 2 người anh trai là liệt sĩ, đều hy sinh năm 1968. Người anh thứ ba, Võ Nghĩa Trung, nguyên là Bí thư chi bộ Phú Cường và hy sinh vào ngày 5-1-1968. Đó là những ngày chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân. Những ngày đó, nhà giáo Vũ Hoàng Khanh cũng đang hoạt động ở Phú Thọ. Hơn 3 tháng sau, ngày 14-4-1968, ông Vũ Hoàng Khanh cũng hy sinh. Hai cái tang liên tục dội xuống gia đình ông như thế mới thấy được sự tàn khốc của chiến tranh. Mất mát quá lớn nhưng gia đình ông vẫn một lòng theo cách mạng, đi đến cùng ngày thắng lợi của đất nước. Lúc đó, ông Bảy Minh cũng đang nối nghiệp anh trai, là một nhà giáo cách mạng từng có thời gian hoạt động chung với anh mình 3 năm (1965-1968)…

Kể về người anh của mình, ông Minh bùi ngùi: “Anh ấy là một người con hiếu thảo của ba mẹ tôi, là người anh mẫu mực cho em út noi theo. Anh rất ngoan, học giỏi, sớm giác ngộ cách mạng và thoát ly vào rừng làm một nhà giáo cách mạng”. Theo lời kể của ông Minh, nhà giáo liệt sĩ Vũ Hoàng Khanh nguyên là ủy viên Tiểu ban giáo dục Thủ Dầu Một, tiền thân của Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Dương. Từ khi còn là một thanh niên 17, 18 tuổi, ông Khanh đã bị bắt ở tù tại các khám đường Bình Dương, Chí Hòa, Thủ Đức. Tù đày, xiềng gông không xiềng xích nổi trái tim yêu nước thương nòi, không khuất phục được tấm lòng vì học sinh thân yêu của người chiến sĩ cách mạng. Năm 1961, ông Vũ Hoàng Khanh ra tù và vừa dạy học một trường tư thục ở Sài Gòn vừa tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1963, ông tham gia đảo chính Ngô Đình Diệm và bị lộ nên phải về quê ở Chánh Nghĩa, Thủ Dầu Một và thoát ly từ đó. Những năm 1964 đến 1967, ông Khanh hoạt động ở Thanh Tuyền, Thanh An (Dầu Tiếng) rồi chuyển vào chiến khu Đ.

Đầu năm 1968, ông Khanh nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân. Ngày ông hy sinh, ông cùng một người bạn ẩn núp chung một căn hầm bí mật ở Phú Thọ. Người bạn của ông mở nắp hầm chui lên đi lấy thức ăn của người dân chuẩn bị sẵn và tìm cách liên lạc với cấp trên. Nhưng do phát hiện có địch tuần tra, người bạn ông không trở về hầm được. Trong lúc đó, nghe tiếng chân trên nắp hầm, ông Khanh lại tưởng người bạn quay về nên mở nắp hầm ra coi. Hóa ra là tiếng chân của bọn tuần tra vừa đi qua. Do đã bị lộ nên ông Khanh tháo chạy thoát thân. Nhưng chỉ chạy được khoảng 40m thì bị đạn bắn xối xả. Ông hy sinh và được người dân đưa vào chôn ở gốc cây măng cụt. Ông Bảy Minh ngậm ngùi: “Tối hôm anh tôi hy sinh, có người từ Phú Thọ về báo cho ba mẹ tôi hay nhưng cả nhà có ai dám đi nhận đâu. Đành để anh nằm lại đó đến sau giải phóng mới quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và hai anh em nằm gần nhau… Hồi đó, anh Ba tôi hy sinh đã có vợ con. Anh Tư thì mới có người yêu, mất sớm quá, mới 28 tuổi…”.

Có một nguyện vọng của ông Bảy Minh rằng, sau khi quy tập hài cốt của ông Vũ Hoàng Khanh, hàng năm gia đình vẫn đến viếng thăm, nhang khói. Nhưng sau một đợt cải táng, ngôi mộ ông Khanh không còn nằm bên cạnh anh trai mình nữa. Ông Bảy Minh đi tìm cũng không thấy tên trên bia. Nay ông rất mong hai anh trai của mình được “đoàn tụ” bên nhau như trước. “Như thế ấm cúng hơn”, ông đã tâm sự thế khi tôi cáo từ ra về giữa buổi trưa nắng gắt…

Tác giả: L.M.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bạn đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

VĂN BẢN MỚI

299/PGDĐT

Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS

Ngày ban hành: 11/03/2024

293/PGDĐT-TCCB

Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức

Ngày ban hành: 08/03/2024

212/PGDĐT

Triển khai an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục

Ngày ban hành: 23/02/2024

202/PGDĐT

Báo cáo kết quả tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Ngày ban hành: 21/02/2024

162/PGDĐT

Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục năm 2024

Ngày ban hành: 31/01/2024

HỆ THỐNG NGHIỆP VỤ

Phòng Giáo dục và Đào tạo
Bộ giáo dục đào tạo
Đế án Hệ tri thức Việt số hóa
Văn bản pháp quy - hành chính
Phần mềm quản lý phổ cập giáo dục
Kho Bài Giảng E-LEARNING
1022 Bình Dương
UBND thành phố
Fanpage Bình Dương
Fanpage Sở GDĐT
phapdien

CÁC TRƯỜNG TRỰC THUỘC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây